TU SĨ – Bài Viết Tháng 9 – Đoàn Khôi msc
TU SĨ
Đoàn Khôi msc
Tôi còn nhớ khi mới bước vào con đường tu trì, có một giáo dân nói với tôi rằng: “Tu là cõi phúc, thầy ạ. Không có gì phúc bằng đi tu cả.” Tôi trả lời với người đó rằng: “Dạ vâng, tu là cõi phúc lắm thế nên dường như không ai muốn đi tu cả. Hình như ai cũng muốn cái khổ ở đời thường hơn…”
Tôi thiết nghĩ suy nghĩ của người giáo dân đó không chỉ là của riêng họ mà là suy nghĩ chung của nhiều người sống bậc gia đình hay cuộc sống đời thường. Cỏ ở bên kia đồi luôn xanh tươi hơn cỏ ở bên này.
Trước hết, tôi nghĩ dù là bậc sống nào, ơn gọi tu sĩ linh mục hay gia đình, tất cả đều là ơn Chúa ban. Mà đã là ơn Chúa ban thì hàm chứa trong đó luôn có những hạnh phúc, niềm vui và phúc lành nhất định của nó, tùy theo mỗi người cảm nghiệm và nhìn nhận. Và đồng thời, đã là ơn Chúa thì không có chuyện ơn gọi này quý hơn ơn gọi kia. Giống như Phaolô có nói: Không có chi thể nào quan trọng hơn chi thể kia, bởi vì tất cả là một phần trong một thân thể duy nhất của Chúa Kitô (xem thư thứ nhất của Phaolô gửi tín hữu Côrintô, chương 12).
Đời sống tu sĩ có cái hạnh phúc, niềm vui và phúc lành của nó. Thế nhưng mà cái phúc lành trong đời tu không đơn thuần là địa vị trong lòng người giáo dân, không chỉ là một cuộc sống tự tại, không vướng bận chuyện gia đình, vợ chồng con cái, hay một cuộc sống không cần phải buông chải, ganh đua với người đời.
Tất cả những thứ ấy thực sự cũng là điều may mắn, nhưng nó không phải là cốt lõi của một ơn gọi tu sĩ.
Cách đây vài ngày, tôi có nói chuyện với một người giáo dân đã lớn tuổi và là một giáo dân rất thân quen trong giáo xứ. Ông đến trò chuyện với tôi sau thánh lễ Chúa Nhật. Ông nói rằng đã sống gần tám mươi tuổi rồi nên ông thấy rất mãn nguyện với cuộc sống của mình. Và điều làm cho ông thấy hạnh phúc nhất là có một gia đình của riêng ông, có được những người con luôn quan tâm và chăm sóc cho ông, một người vợ luôn bên cạnh ông, những người thân bên cạnh ông. Thế rồi ông quay sang nói với tôi một câu khiến tôi phải suy nghĩ: “Tôi rất là khâm phục những người như cha, không có một gia đình riêng cho mình mà cứ phiêu bạc từ nơi này đến nơi kia để làm việc cho Chúa và Giáo Hội”.
Bạn đọc thân mến, đời tu sĩ có những phúc lành sâu lắng nhưng đồng thời cũng là một cuộc đời phiêu bạc để rồi đến cuối đời chỉ quay trở về với chính mình mà thôi.
Khi mới đi tu tôi xem sự cô đơn lạnh lẽo sau những ngày dài lao công vất vả cho tha nhân và Giáo Hội là một nỗi đau trong tâm hồn người tu sĩ độc thân. Càng đi tu lâu hơn, cảm nhận những thăng trầm trong ơn gọi này, tôi nhận ra sự cô đơn trong đời sống tu sĩ là một cơ hội gặp gỡ – gặp gỡ chính mình, gặp gỡ Thiên Chúa, và gặp gỡ anh chị em xung quanh mình, đặc biệt là những người đang đau khổ. Cô đơn là một hành trình trở về với trống trải để cảm nhận sự dư đầy trong cuộc sống con người.
Càng sống lâu, con người ta lại càng thấy nỗi cô đơn càng sâu lắng. Bởi lẽ càng sống lâu hơn, trải nghiệm nhiều hơn, con người ta càng nhận ra được cái trống trải và mong manh trong mọi thứ: tiền bạc, công danh, sự nghiệp, học vấn, sắc đẹp, hay sức khỏe. Thiết nghĩ ai cũng mong có những thứ này trong cuộc sống, nhưng dường như những thứ tưởng chừng như vô tận lại hạn hẹp vô cùng. Tất cả những thứ đó không mang lại cho con người một ý nghĩa sống thực sự, một niềm vui trọn vẹn. Người tu sĩ chắc hẳn phải thấy được điều đó. Không những thấy mà còn phải thấy rất rõ…
Thấy là một chuyện nhưng có làm được hay không lại là một chuyện rất khác. Cái tôi của người tu sĩ đôi khi làm cản lối làm việc của Chúa trong lòng và tâm trí họ. Thế nên, thay vì nghe theo tiếng Chúa, người tu sĩ lại nghe theo ‘tiếng tăm’.
Một khía cạnh khác của đời người tu sĩ đó là đời du mục. Du mục là một cuộc sống long đong, rầy nay mai đó, dường như không có một chỗ định cư cố định. Nơi nào có nhu cầu cần thì người tu sĩ đi. Đến rồi lại đi, đi rồi cũng có khi được trở lại. Cuộc đời con người là một hành trình mà dường như chúng ta không bao giờ được dừng lại, cho dẫu là mỏi mệt. Đời du mục của tu sĩ là một dấu chỉ cho một sự thật như thế.
Chính vì luôn phải lên đường, luôn phải bước đi, mỗi người chúng ta phải tự mình biết mang theo gì trong hành trang của mình.
Lúc mới bước vào nhà dòng, hành trang của tôi chỉ là hai cái va-li và một túi ba-lô trong đó có một máy tính xách tay. Sau khoảng chín năm thì hành trang đã nặng nề hơn rất nhiều. Nào là Tivi, máy tính bảng (tablet), hai cái máy tính xách tay, rồi thêm một va-li áo lễ.
Thiết nghĩ tất cả những thứ đó là cần thiết cho công việc và cuộc sống cá nhân, thế nhưng những hình ảnh bên ngoài như thế cũng nhắc tôi nhớ đến cuộc sống nội tâm của mình, hành trang tâm linh của mình. Liệu rằng những hành trang vật chất như thế có làm bóp nghẹt hành trang tinh thần của mình? Liệu rằng tôi đang mang gì trong hành trang tinh thần của mình?
Khi mà chúng ta đang có quá nhiều trong đời sống vật chất, con người dễ quên đi việc nuôi dưỡng đời sống tình thần. Khi mà đời sống ẩm thực quá phong phú và chất lượng, thì đời sống ẩm thực của tâm hồn sẽ bị thiếu dinh dưỡng. Khi mà con người lo ngại cái hào nhoáng bên ngoài thì đền thờ trong tâm hồn con người, đền thờ của Thánh Thần, sẽ dễ dàng bị xuống cấp.
Cái khó nằm ở chỗ chúng ta phải biết chăm sóc cả hai khía cạnh trong đời sống hằng ngày của mình. Chúng ta phải biết quan tâm đến nhu cầu vật chất, nhưng đồng thời cũng phải nuôi dưỡng đời sống tinh thần. Những nhu cầu vật chất, bản chất không tự nó là tận cùng đích điểm. Nhưng thế giới vật chất là phương tiện để đưa con người ta đến thế giới tâm linh, thế giới tinh thần. Thế nên, thế giới tâm linh, tinh thần, phải là nguồn nuôi sống, là sức mạnh cho con người ta sống trong thế giới vật chất.
Nói như thế không có nghĩa là thế giới vật chất là vô nghĩa. Cuộc sống làm người, cuộc sống vạn vật dạy cho chúng ta nhiều điều sâu thẳm trong thế giới tâm linh. Không trải nghiệm cách sâu sắc thế giới vật chất và xác thịt thì con người ta không thấy được ý nghĩa của khổ đau, giới hạn và niềm vui thực sự.
Đời người tu sĩ là một ơn gọi Chúa ban cho một số cá nhân nào đó, để từ những ơn gọi đó người tu sĩ là những tiếng gọi, gọi con người ta quay trở về với những thực tại rất căn bản của đời sống con người: cô đơn và gặp gỡ, cái tôi và tính liên đới, lữ hành và điểm đến của con người.
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!