Trình chiếu bộ phim “Bóng Quá Khứ”, Chúa Nhật 23/10/22 tại Hội trường cha San

Phim “Bóng Quá Khứ” trình chiếu tại Âu Châu
 
Chuyến lưu diễn qua 6 thành phố Âu Châu bắt đầu từ ngày 8 đến 26 tháng 9 của đoàn phim “Bóng Quá Khứ” trong suốt 3 tuần lễ đầu mùa Thu, 2022 được kết thúc bằng những nụ cười, mặc dù trong các buổi chiếu phim thì tràn đầy nước mắt. Nước mắt của những người đã phải bỏ nước ra đi. Khóc cho quê hương, cho thân phận mình và cho những linh hồn đã phải đánh đổi cuộc đời vì hai chữ tự do. 
 
Không một buổi chiếu phim nào còn dư một chỗ trống, dù có nơi rạp chỉ đủ ghế ngồi cho 200 khán giả hay có lúc hơn 500 người tham dự như đêm chiếu đầu tiên ở Frankfurt, hay với 700 khán giả trong buổi diễn cuối cùng tại thành phô  Dusseldorf. 
 
Điều đáng nói ở đây là dù nhiều hay ít, nhưng tất cả đều là những cử tọa lý tưởng để đoàn phim trao đổi tâm tình với họ. Thú vị hơn nữa là giới trẻ chiếm đến gần một nửa, gồm cả các du học sinh từ VN hay những người bản xứ. Giống như cô đạo diễn Thanh Tâm, họ sinh ra và trưởng thành sau tháng Tư, 1975. Có người biết rất rõ, nhưng có nhiều bạn chẳng hiểu gì về thuyền nhân hay người tỵ nạn. Thậm chí còn thắc mắc, tại sao mà người ta có thể hy sinh mạng sống của mình để đánh đổi bằng cuộc đời lưu vong nơi xứ lạ, quê người? 
 
Đây chính là tài nghệ tuyệt vời của người đã dựng nên bộ phim này. Kỳ diệu hơn nữa, là chỉ trong vòng 60 phút ngắn ngủi, họ đã trả lời cho tất cả những thắc mắc vừa kể. Công sức này là kết quả của mọi người trong nhóm thực hiện. Từ đạo diễn, người viết truyện phim, cho đến các tài tử. Từ hình ảnh, âm thanh, ánh sáng cho đến các chuyên viên kỹ thuật. Họ phối hợp làm việc với nhau thật nhịp nhàng và ăn ý. Chính những yếu tố đó đã làm cho khán giả không ngạc nhiên khi biết bộ phim “Bóng Quá Khứ” đã nhận được hàng chục giải thưởng điện ảnh cao quý ở khắp nơi trên thế giới.
 
Những năm gần đây nhiều đạo diễn trẻ từng thực hiện các tác phẩm điện ảnh lớn tại hải ngoại đã lần lượt âm thầm về Việt Nam làm việc và cộng tác với các hãng phim ở trong nước, khiến cho khán giả mến mộ không khỏi quan tâm, lo lắng. Sự xuất hiện của “Bóng Quá Khứ” cùng nỗ lực của đạo diễn Thanh Tâm và phái đoàn với các diễn viên cũng như ca nhạc sĩ trong nhóm đã gởi ra một thông điệp kín đáo, nhẹ nhàng nhưng đầy hy vọng là, giới trẻ hải ngoại vẫn không quên phần lịch sử quan trọng của cuộc ra đi tìm tự do đầy máu và nước mắt của dân tộc Việt Nam.
 
—-
 
Sau đây là cuộc phỏng vấn của báo Chiêu Dương với nữ đạo diễn Thanh Tâm, linh hồn của cuốn phim “Bóng Quá Khứ”.
 
—–
 
Hỏi. Đề tài về người tị nạn, là một đề tài rất khó khăn và phức tạp. Nhưng sao cô lại chọn chủ đề này cho phim “Bóng Quá khứ”?
 
Thanh Tâm: Đề tài về người tị nạn Việt Nam như anh nhận định là rất khó khăn và phức tạp, và chính vì thế mà khi làm phim về đề tài này thì không dễ thành công.  Đối với Thanh Tâm, hiện tượng vượt biển vượt biên sau 1975 là một sự kiện lịch sử cận đại đầy đau thương của dân tộc. Riêng đối với chính những nạn nhân của thảm trạng này, những người thuyền nhân, thì những chuyến vượt biên lìa xa quê cha đất tổ, tương lai thì mờ mịt, đối mặt với bao nhiêu gian nan trắc trở như bị tù đầy, bị hải tặc hảm hiếp, giết chóc, hay bị mất mạng vì đói, vì khát, vì bão tố trên biển cả là những khoảnh khắc không thể nào quên trong cuộc đời của họ. 
 
Dù muốn hay không, với nhiều người thì cái bóng quá khứ tị nạn sẽ theo họ suốt đời cho đến khi họ nhắm mắt xuôi tay. 
Với hàng triệu người Việt tự do tị nạn cộng sản tại hải ngoại, với hàng nhiều triệu gia đình trong nước, kể cả những thế hệ tiếp nối, chính cái bóng quá khứ tị nạn này là cái giá đã trả cho cuộc sống hiện tại. Rất tiếc là thảm trạng này của dân tộc đã không được ghi lại đầy đủ trong những phim ảnh nghệ thuật. Thảm trạng này cần được nhiều người trên thế giới biết đến, và cần được thế hệ người Việt tương lai trong nước cũng như tại hải ngoại hiểu rõ và ghi nhớ. Đó là lý do tại sao Thanh Tâm chọn đề tài này. 
 
Hỏi. Cô là một người trẻ, chắc chắn có hạn chế về các vấn đề lịch sử. Nhưng qua 60 phút của cuốn phim, ai cũng thấy cô có bản lãnh. Điều thành công này đến từ đâu?
 
Thanh Tâm: Bóng Quá Khứ chỉ là một cuốn phim gói ghém thân phận đau thương của hàng triệu người tị nạn VN trong vỏn vẹn 1 tiếng đồng hồ. Chắc chắn là Bóng Quá Khứ chỉ có thể thể hiện được một câu chuyện nhỏ trong hàng bao nhiêu câu chuyện đau buồn khác trong giai đoạn lịch sử này. Đối với Thanh Tâm, điều quan trọng là cuốn phim có tạo được sự đồng cảm của khán giả hay không. Khi khán giả cảm nhận được, rung động được, và qua đó trân trọng quá khứ tị nạn đau thương của mình trong Bóng Quá Khứ thì bộ phim thành công. Bằng không thì coi như là thất bại. 
 
Muốn có sự đồng cảm đó, người đạo diễn phim cần phải chính mình đồng cảm với những nạn nhân trong cuộc. Trong lúc chuẩn bị cho việc thực hiện cuốn phim, Thanh Tâm đã cố gắng hết sức tìm hiểu và cảm nhận những sự kiện xảy ra từ chính những người trong cuộc và cố gắng thực hiện cuốn phim qua trải nghiệm thật của chính những nhân chứng. 
 
Hiện nay hàng triệu người Việt tị nạn thế hệ thứ nhất tại hải ngoại vẫn còn đó, vẫn sinh sống tại một đất nước tự do nào đó, chỉ cần Bóng Quá Khứ nói lên được nỗi lòng của họ, nói lên được tiếng nói cho họ thì bộ phim sẽ được rộng rãi đón nhận.
 
Hỏi. Mục đích khi thực hiện cuốn phim này là gì? Khi mà vấn đề thuyền nhân đã mờ nhạt ngay trong chính những người đã từng xuống thuyền vượt biển?
 
Thanh Tâm: Khi thực hiện Bóng Quá Khứ, tôi muốn lột tả được một phần nhỏ nỗi đau thương, mất mát của người phụ nữ Việt trong cuộc chiến với Chủ Nghĩa Cộng Sản. Mong muốn những khán giả từng là thuyền nhân cảm nhận được khoảnh khắc nào đó trong cuốn phim một phần đời không thể nào quên của mình, những hồi tưởng luôn hiện hữu, những vết thương chưa thể chữa lành trong trong từng gia đình Việt Nam. 
 
Và như đã đề cập đến, Thanh Tâm muốn thảm trạng người tị nạn Việt Nam phải được cộng đồng thế giới ghi nhận rộng rãi. Thanh Tâm cũng mong Bóng Quá Khứ là một nén hương tưởng nhớ đến những thuyền nhân đã bỏ mình trên đường vượt biển tìm tự do. Đối với thế hệ trẻ, Thanh Tâm mong họ biết rõ sự thật lịch sử cộng sản đang cố tình bóp méo để họ thấy được sự can đảm của thế hệ ông bà cha mẹ mình, thậm chí có thể đánh đổi cả tính mạng vì hai chữ tự do. 
 
Hỏi. Sau cuốn phim này, cô có còn những dự án nào khác? Nếu còn thì nó sẽ là chủ đề gì? Vấn đề gì?
 
Thanh Tâm: Sau cuốn phim này có hai chủ đề tôi muốn thực hiện, đó là những cuốn phim cho người Việt trong nước, cũng như tại hải ngoại về những sự kiện đã và đang bị che lấp, lãng quên. Ví dụ như sự kiện được gọi là thùng nhân với 39 người chết ở Châu Âu, hay Đêm nổi dậy ở trại tù Suối Máu.
 
Hỏi: Cô còn có điều gì muốn nói thêm trong cuộc phỏng vấn này?
 
Thanh Tâm: Tôi mong Bóng Quá Khứ sẽ tiếp tục được đồng hương tại Úc Châu rộng rãi đón nhận. Thanh Tâm cũng rất mong trong tương lai có được những tác phẩm nghệ thuật khác hay hơn, ý nghĩa hơn, hoàn thiện hơn để gửi đến quý vị đồng hương. 
 

——

Director’s Statement
A Realm of Return
 
Saigon, the capital of South Vietnam, fell to the Communist forces of the North on April 30, 1975.  The new regime was harsh and repressive: supporters of the former government were stripped of their homes and possessions, prevented from holding a job or pursuing an education. Civilian and military officials of the South Vietnamese government were sent to force-labour camps, known as “re-education camps.”
 
The tense political situation, rapidly deteriorating living conditions, and human rights violations triggered a vast wave of emigration. Many South Vietnamese decided to leave by boat because they saw no future for their children. Over 1 million people took to unseaworthy makeshift vessels, hoping to be rescued when they reached international waters. But first they had to face huge risks: drowning, hunger, dehydration, attacks by pirates, rape, and even murder.
 
My goal is to tell the stories of the women of South Vietnam, both during and following the war. These lovers, wives, and mothers were forced to make tremendous sacrifices and suffered from tragic losses. It’s time to bring their lives into the spotlight.

 
 
0 replies

Leave a Reply

Want to join the discussion?
Feel free to contribute!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *