Thầy Đó ! – Mai Trang ̣(Bài viết)
Thầy Đó ! – Gioan 21:7
“Khúc ai ca, Chúa đổi thành vũ điệu, cởi áo sô, mặc cho con lễ phục huy hoàng.
Vì thế, tâm hồn con ca ngợi Chúa, và không hề nín lặng” Tv 30:12-13
Hai câu chuyện đáng kể nhất trong phúc âm thánh Gioan đã giúp ích và là điểm son cũng như đặc ân cho phụng vụ của chúng ta trong hai tuần vừa qua nơi biến cố Phục Sinh. Những câu chuyện này ghi lại để cho chúng ta là những người không được hiện diện và chính mắt được thấy tai được nghe về sự Sống Lại của Chúa Giêsu thời đó.
Câu chuyện của Tôma trong tuần trước, và tuần này là câu chuyện của Phêrô và các đồ đệ đi đánh cá đã đưa đến hai câu hỏi then chốt cho chúng ta là những người Kitô hữu đều luôn thắc mắc về sự Phục Sinh của Chúa Kitô.
Điều thắc mắt thứ nhất là, nếu Chúa Giêsu hiện ra một các huyền nhiệm hoặc là trong cung cách khác thường xa lạ, thì làm sao chúng ta nhận ra “Đó là Ngài”? Điển hình như câu chuyện Chúa Giêsu nướng cá bên bờ biển Tiberias chỉ có mỗi “người môn đệ Chúa thương mến” mới nhận diện ra Chúa. Tình yêu phần nào đó đã giúp cho ta dễ nhận diện ra Chúa Giêsu hơn. Khi yêu chúng ta thường nhạy cảm hơn thì phải. Điều thắc mắc thứ hai là, nếu một khi chúng ta gặp và nhận diện ra được Chúa Giêsu và công nhận Ngài là Chúa, thì điều này có nghĩa gì cho đời sống của chúng ta? Một đặc ân tuyệt vời như vậy sẽ thúc đẩy và buộc chúng ta cần phải tham dự vào sứ mệnh của Chúa Giêsu nơi trần thế và vũ trụ này như thế nào?
Qua hai câu chuyện Chúa đã hiện ra đó đã chứng tỏ cho chúng ta thấy rằng còn có điều gì đáng chú tâm hơn nữa chứ không chỉ là sự hiện ra bằng thể xác mà các đồ đệ đã được chứng kiến sau khi Chúa sống lại. Sự “nhìn, nhận thấy” Chúa Giêsu là Chúa bao gồm thêm cả chiều kích mà chúng ta gọi là đức tin… ngay cả lúc mà Chúa Giêsu còn đi lại với các đồ đệ thời bấy giờ.
Nếu không như thế thì tại sao Phêrô và các đồ đệ đã không nhận ngay ra Chúa mà chỉ có mỗi “người môn đệ Chúa thương mến” mới nhận ra được Ngài? Hoặc là trong trường hợp của ông Tôma, tại sao các môn đệ vì sợ cho nên đã đóng cửa kín ở trên phòng rồi lại cho là ma hiện về và không nhận ra Chúa Giêsu khi Ngài hiện ra với các ông… cho đến khi Chúa phải cho các ông xem tay chân của Ngài? Còn ông Tôma thì đòi phải được sự chứng thực là khi nào đặt tay vào vết thương ở sườn của Chúa thì mới tin? Nhưng khi ông nhìn thấy Chúa ông chỉ còn biết kêu lên “Lạy Chúa là Thiên Chúa của con!”
Điều này cho chúng ta thấy mọi chi tiết đã được cân nhắc rất cẩn thận khi tác giả đã đưa vào trong phúc âm để giúp người đọc là chúng ta hiểu thấu qua những từ ngữ ấy, để tránh hiểu theo nghĩa đen – nghĩa là, từ ngữ gì ghi trong phúc âm thì hiểu y như vậy. Như trường hợp ở đây thường bị hiểu lầm giữa sự phục sinh và sự sống lại –sau khi làm tỉnh lại, làm hồi phục xác chết của Chúa Giêsu– để ngài tiếp tục sống như trước. Chúa Giêsu trở lại với các ông một cách hoàn toàn biến đổi. Nền tảng cơ bản của những dấu chỉ trong phúc âm Gioan: Ta là đường là sự thật và là sự sống. Ta là mục tử tốt lành. Ta là bánh hằng sống. Ta là cây nho vv… mà phúc âm Gioan đã ghi lại không có ý rằng Chúa Giêsu sống trở lại như trước nữa, nhưng giờ đây “Ta là sự sống lại và là sự sống thật”. Qua cuộc khổ nạn và sự chết, Chúa Giêsu đã hoàn tất mọi lề luật và những gì tiên tri đã loan báo về sự cứu chuộc của Ngài. Ngài đã chiến thắng sự chết để mở đường cho chúng ta cũng được biến hóa, sống lại như Ngài và nhờ đó chúng ta cùng được thông phần vào sự sống trong thiên tính của Ngài. Thay đổi, biến hóa trong mọi suy tư, ý chỉ, lời nói, hành động và cả não trạng mà bấy lâu nay chúng ta thường đi ngược lại những gì theo tinh thần Phúc Âm của Chúa. Hoặc ngay cả những suy nghĩ của chúng ta, những sự hiểu trật Phúc Âm đã làm méo mó khuôn mặt thật của Chúa. Điển hình như phần đông chúng ta vẫn mang não trạng về Thiên Chúa là Đấng luôn dò xét mọi hành động của chúng ta để trừng phạt. Từ đó chúng ta cũng cư xử với tha nhân theo não trạng thiếu nhân ái như vậy và quên đi cả tình yêu thương vô điều kiện của Thiên Chúa dành cho mỗi người chúng ta. Trong khi đó khuôn mặt thật của Thiên Chúa mà Chúa Giêsu đã diễn tả và mời gọi chúng ta sống là khuôn mặt của vị Cha Nhân lành trong dụ ngôn “người con hoang đàng”, “Người Samari tốt lành”, “Nguời phụ nữ bị bắt đang ngoại tình”, theo thế gian thì ăn miếng trả miếng còn Thầy bảo các con “Chớ trả thù” “Đừng thề thốt” “Cầu cho kẻ thù” “Đừng giận ghét” “Tin tưởng vào Chúa quan phòng”, “hãy có lòng nhân từ” “Hãy thực hành lời Thầy”, “Tại sao các con gọi Thầy: ‘Lạy Chúa! Lạy Chúa!’ mà các con không làm điều Thầy dạy” v.v…
Trở lại với điều mà chúng ta đã thắc mắc là làm sao chúng ta nhận biết được “Đó là Chúa”? Qua những mẩu chuyện đã ghi lại sự kiện Chúa đã hiện ra sau khi Phục Sinh chứng tỏ rằng dưới nhãn quan của đức tin, lòng trí chúng ta được đánh động nơi Lời Chúa và qua sự tiếp tục “Bẻ Bánh” và trong mọi cử chỉ nhân ái yêu thương đối với tha nhân, chúng ta sẽ nhận diện ra sự hiện diện của Chúa mỗi ngày mỗi rõ ràng hơn nơi đời sống của chúng ta là những người đang sống trong niềm tin. Không có gì có thể giới hạn được quyền năng “bẻ, phân chia bánh” trong thế giới của chúng ta, qua cách biến hóa những cảm nghiệm thường ngày và cả đôi lúc cảm nghiệm lạ lẫm nữa thành những cảm nghiệm thoáng qua nhưng lại là những cảm nghiệm lâu bền tồn tại chớp lóe lên từ nơi Chúa Phục Sinh. Chính Ngài đã đi trước vào sẵn ở nơi những sự kiện xảy đến, những biến cố nhỏ to diễn ra mỗi ngày của chúng ta. Chính Ngài đã chuẩn bị bữa điểm tâm khi họ đã vất vả suốt đêm mà chẳng được con cá nào. Ngài dang cánh tay bị đinh đóng thâu qua như chính khi chúng ta gặp phải những khó khăn đau khổ… hãy nhận diện ra: “Chúa đó”!
Sự hồi phục của ông Phêrô từ lỗi lầm đáng chê trách là đã chối Chúa để trở nên người lãnh đạo của các Tông Đồ cũng là câu trả lời cho điều thắc mắc thứ hai của chúng ta: Khi chúng ta nhìn nhận ra, gặp được Chúa Kitô đã chịu đóng đinh và sống lại thì chúng ta cần phải làm gì?
Phêrô đã ba lần chối Chúa đáng ra Phêrô không còn xứng đáng, nhưng qua sự cương quyết tuyên xưng Chúa Giêsu là Chúa thì chính điều lỗi lầm của Phêrô đã làm cho ông xứng đáng để bước vào cương vị lãnh đạo Giáo Hội và cao rao lòng thương xót nhân ái vô biên, luôn luôn tha thứ của Chúa. Có lẽ chẳng có ai làm chứng nhân xứng đáng hơn về lòng Chúa thương xót cho bằng Phêrô. Bởi vì Phêrô đã chối bỏ Chúa trong giờ Ngài đau buồn cần sự nâng đỡ nhất, lúc mà ông đã thu mình lại vì e dè sợ bị vạ lây khi Chúa Giêsu –là Bạn của mình– bị bắt mang đi chịu tử hình? Nếu lòng thương xót của Chúa đã đền bù lại được cho lầm lỡ của Phêrô thì chắc chắn điều này cũng cứu chuộc được cả thế gian. Nếu tình yêu thương của Chúa đã chữa lành được nỗi cắn rứt, vết nhức nhối nơi cõi lòng của Phêrô qua phép rửa của sự ăn năn thống hối tội lỗi của mình trong nước mắt, thì cũng chính điều này sẽ níu kéo tất cả những ai đang ở bên bờ vực thẳm của tuyệt vọng và biến họ trọ nên sứ thần của sự hòa giải và an bình cho mọi người.
Vì thế mầu nhiệm của cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa Giêsu giờ đây được tiếp tục hiện diện sống động mãi nơi đồ đệ của Ngài là chính chúng ta, là Giáo Hội. Các bài đọc trong mùa Phục Sinh này là những bài huấn đức về đức tin để làm củng cố niềm tin của chúng ta. Nếu chúng ta biết thành tâm suy niệm cho chính mình, chúng ta sẽ được thu hút vào đời sống của chúng ta nhờ qua phép Thánh Tẩy và được nuôi dưỡng nơi bàn tiệc Thánh Thể, từ đó chúng ta cũng sẽ được trưởng thành trong sự thánh thiện trở nên giống hình ảnh của Chúa Giêsu.
Tính đặc thù của Phục Sinh là để giúp đem chúng ta đến tầm quan trọng này. Nếu chúng ta muốn trở nên những sứ thần của hòa giải và an bình, nghĩa là chúng ta đang xin Chúa Giêsu ban thêm đức tin cho chúng ta để gặp được Ngài, nhìn nhận ra chính Ngài, để cảm nghiệm Ngài và yêu mến Ngài. Phúc cho chúng ta vì chẳng thấy mà tin. Đây là sự chúc phúc đặc biệt cho đức tin của chúng ta. Đức tin của chúng ta không phải với đôi mắt được trông thấy nhưng với niềm tin nơi tâm hồn. Đây là tin mừng vui của Phúc Âm và mỗi người chúng ta được mời gọi để sống tinh thần Phúc Âm của Chúa.
(Mai Trang)
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!