Suy Niệm – Chúa Nhật XXV Thường Niên năm A, 24/9/2023
TÔI ĐÂU CÓ BẤT CÔNG
Trong dụ ngôn người cha nhân hậu (Lc 15), chúng ta đã từng thấy thái độ của người con cả nổi giận không chịu vào nhà, vì anh thấy cha tỏ ra quá bao dung đối với đứa em hư đốn, chẳng những cha tha thứ mà còn mở đại tiệc ăn mừng, “Ðã bao năm con hầu hạ cha… thế mà chưa bao giờ…còn thằng con của cha đó… Vậy mà…” Anh thấy mình bị cha đối xử bất công!
Trong dụ ngôn trên đây, người làm sớm cũng cằn nhằn vì ông chủ trả hậu hĩ cho người mới làm một tiếng. Cả hai dụ ngôn đều phản ánh một căng thẳng có thực do việc Ðức Giêsu thường giao du với tội nhân. Ngài quý trọng từng con chiên lạc, đem đến cho họ niềm vui sống và sự tự tin. Ngài mời họ hoán cải và hứa ban cho họ Nước Trời. Như thế, rốt cuộc những người Do Thái tội lỗi cũng được hưởng hạnh phúc như các ông Pharisêu suốt đời tuân giữ chi li Lề Luật. Người Pharisêu bị sốc vì thái độ của Ðức Giêsu. Họ cảm thấy quyền lợi của mình bị xâm phạm.
Khi nhìn thái độ bực bội của người làm từ sớm, chúng ta hiểu được thế nào là ghen tỵ. Người làm sớm cằn nhằn ông chủ vườn nho không phải vì ông đã đối xử bất công đối với họ (họ vẫn được trả đủ tiền lương mà), nhưng vì ông đã trả cho người làm sau ngang hàng với họ, là những kẻ vất vả suốt ngày. Nếu ông trả cho người làm sau ít hơn, chắc họ chẳng hề tỏ vẻ khó chịu. Người ghen tỵ không vui được với người vui vì họ không biết yêu thương. Họ coi người kia là kẻ thù, chứ không phải là bạn, nên sự thành công của ai đó trở thành mối đe dọa.
Ðức Giêsu mời chúng ta đổi cái nhìn về Thiên Chúa. Ngài công bình, nhưng không cứng nhắc trong luật lệ. Ngài có trái tim để tự do yêu, có lòng tốt để bất ngờ trao tặng, Thiên Chúa là Thiên Chúa của người trộm lành, là chủ của người thợ chỉ làm có một tiếng. Thiên Chúa công bình lại là người cha đầy yêu thương. Ðức Giêsu cũng mời ta đổi cái nhìn về tha nhân, bớt tự hào về mình, thêm trân trọng người khác, phá bỏ những hàng rào của nhỏ mọn, ghen tương.
Ðến khi nào người con cả mới chịu vào nhà để niềm vui của cha, của em là của anh? Ðến khi nào người làm từ sáng sớm biết chia vui cùng người mới làm buổi chiều? Ðến khi nào tôi mới thật sự vui với người kế bên chỉ vì người ấy là bạn tôi?
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!